Bài kể chuyện giấc mộng của Cố Thuận Chi và công đức ăn chay.
Cách đây 4 ngày, TTVD có gởi đến quý vị một bài rất cảm động về "Nước Mắt của Thú Vật" , hôm nay xin nói về Công Đức Ăn Chay.
Đọc xong rồi, nếu được, chúng ta cũng nên bắt đầu ăn chay nhiều thêm.
Cố Thuận Chi là một người hiền đức, chuyên ăn chay. Một hôm ông nằm ngủ, rồi ngủ luôn một giấc suốt bảy ngày đêm, khiến cho người nhà phải một phen hú vía.
Sau khi tỉnh giấc, ông thuật lại với mọi người trong nhà: “Quả thực là một cuộc hành trình vô cùng ý nghĩa! Đêm ấy, ta đang nằm ngủ mơ màng thì thấy có người đến gọi: Đã ngủ rồi sao? Hóa ra đó là Pháp sư Đạo Quang, vị Đại sư mà hàng ngày ta luôn kính trọng. Ngài nói: Cố cư sĩ, chúng ta hãy đi nghe kinh nhé! Tự nhiên ta cảm thấy vô cùng thích thú, liền đáp: Đi thì đi!
Thế là cùng đi đến một đạo tràng rất to lớn rộng rãi, trang nghiêm sạch sẽ và có khá đông thính chúng đến nghe kinh. Pháp đường phía trước thì giảng kinh Kim Cương, còn pháp đường phía sau thì giảng kinh Báo Ân.
Vị cao tăng giảng kinh Báo Ân đến lúc kết thúc dạy rằng: Các cư sĩ tại gia ăn thịt thì điều cần nhất phải giữ giới sát sinh, một là để siêu độ cho cha mẹ, hai là để tiêu trừ tội nghiệp của chính mình. Còn những Phật tử có đạo tâm từng ăn chay thì phải cố gắng giữ gìn kiên định.
Kế đến Pháp sư Đạo Quang dẫn ta đi đến một nơi mà vừa mới chạm mắt đã phải kinh hồn, đó là một cái hồ máu! Ở chính giữa hồ máu có một người đàn bà khóc la thảm thiết, trên thân bà thì vô số những con ốc, con giun đang bò qua, bò lại. Pháp sư giảng giải một cách rõ rằng: Thân mẫu hiện tại của ngươi nhờ công đức ăn chay, làm phước nên được cứu độ, còn người trong hồ ấy chính là thân mẫu trong đời quá khứ của ngươi, vì bà ta thích ăn thịt vịt nên mới ra nông nỗi ấy! Nếu ngươi muốn cứu độ bà thoát khỏi khổ báo thì hãy cố gắng tụng chú Đại bi và Vãng sanh.
Đó chính là giấc mộng vừa rồi của ta.”
Từ đó, Cố Thuận Chi càng tin tưởng công đức to lớn của việc trì trai và lòng tin ấy ngày càng kiên cố hơn.
(Theo Sự tích cứu vật phóng sanh-Pháp sư Tịnh Không)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Một số người có duyên lành trải qua kinh nghiệm cận tử, sau khi thoát nạn thì thay đổi hoàn toàn từ nhận thức, quan niệm sống đến hành xử theo hướng thiện lành. Thế giới mà họ chiêu cảm được bằng kinh nghiệm cận tử đã đánh thức lương tri, phát tâm phục thiện và tin tưởng sâu sắc vào nhân quả thiện ác. Lúc bấy giờ, cảnh giới đan xen hay thế giới đa thù không phải là lý thuyết nữa mà là điều họ đã trải nghiệm. Sứ mạng cao cả nhất đối với họ từ đây cho đến cuối đời là chuẩn bị hành trang thiện lành cho đời sau đồng thời khuyến tấn mọi người sống đạo đức, nhân nghĩa.
Mỗi người tùy theo phước đức hay tội báo của mình mà có một cận tử nghiệp và sự chiêu cảm khác nhau. Cố cư sĩ hiện đời chuyên tâm tu tập, ăn chay, niệm Phật, trì kinh, nghe pháp nên nghiệp cận tử của ông là được theo vị pháp sư mà ông hằng kính ngưỡng vào giảng đường nghe pháp. Và nhờ phước lực huân tu trường chay, trưởng dưỡng lòng từ, không sát hại chúng sanh nên chiêu cảm được gặp vị cao tăng giảng kinh Vu Lan ca ngợi công đức hiếu thuận, trong đó ăn chay không những tiêu trừ nghiệp chướng cho chính mình mà còn có thể góp phần để cứu độ cha mẹ và những thân nhân quá vãng.
Ngày nay, người ăn chay ngày càng đông và mục đích ăn chay của họ cũng khác biệt, có thể ăn chay vì sức khỏe, dưỡng sinh, trị bệnh hoặc vì thương tưởng chúng sanh, trau dồi nhân cách và phát triển từ bi. Dù ăn chay với mục tiêu nào đi nữa cũng góp phần hạn chế bớt sự giết hại, nuôi dưỡng sự sống, bảo vệ môi trường… và giúp người ăn chay hiền thiện hơn. Tuy chúng ta chưa hội đủ duyên lành để cơ cảm và trải nghiệm những giá trị của tu tập ăn chay như cư sĩ Cố Thuận Chi nhưng “giấc mộng” của ông đã nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người hãy tôn trọng sự sống, giảm bớt sự sát hại và nuôi dưỡng lòng từ bằng chính việc thực tập ăn chay trong đời sống hàng ngày.
Thường Tâm
Lời bàn
Hiện nay số người ăn chay trên thế giới càng ngày còn đông. Đối với người Việt Nam chúng ta, nói đến ăn chay thì thường nghĩ ngay đến đạo Phật hay những người phát tâm tu hành theo Phật giáo. Đối với Phật giáo, ăn chay là thể hiện lòng từ bi vô biên của người con Phật, lòng yêu thương và tôn trọng mạng sống của muôn loài, vì biết rằng mọi sinh vật dù lớn, dù nhỏ đều sợ đau đớn, đều muốn sống còn. Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Không nên giết hại vì ai cũng muốn sống, đồng thời cũng không nên gây tổn hại cho mọi chúng sinh, dù chính mình không trực tiếp cầm dao để sát sinh vật, nhưng ăn thịt tức là gián tiếp cổ động cho người khác sát sinh”.
Cũng theo như kinh Pháp Bảo Đàn, khi ngài Huệ Năng đến huyện Tào Khê thì bị bọn ác tâm tìm kiếm để não hại, Ngài phải lánh sang vùng Tứ Hội để tỵ nạn và ở chung với nhóm thợ săn trong vòng 15 năm. Trong thời gian này, Ngài cũng lợi dụng lúc thuận tiện để thuyết pháp hóa độ họ. Và các danh nhân trên thế giới từ Đông sang Tây đều quan niệm, rằng lòng từ bi và yêu thương các sinh vật là động cơ chủ yếu cho việc chay tịnh, vì chay tịnh nên lòng từ bi lớn mạnh, khi có lòng bi lớn mạnh thì công đức phát sinh. Nói như văn hào Leon Tolstoi: “Sự sát sinh đã làm cho những con người vốn có một tâm hồn cao thượng, có lòng vị tha đối với mọi người như đối với bản thân mình, đã trở thành những kẻ hung bạo”.
Tác giả: Thích Nhuận Thạnh
Trích trong cuốn sách "Chuyện đạo đời"
+ Trong Kinh Phạm Võng, Phật nói :“Người ăn thịt chúng sanh mất lòng từ bi, dứt giống Phật tánh, mắc vô lượng tội”.
Ăn, giết hại sát sanh hiện đời chịu nhiều tật bệnh, tàn tật, chết yểu, nhiều tai họa, cốt nhục chia lìa; sát sanh là góp phần gây họa chiến tranh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán v.v… Chết đọa ba đường ác (địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh), chịu vô lượng thống khổ.
* Sát sanh và những hành vi tương tự :
Tự tay mình giết, xúi người khác giết, giúp đỡ, khen ngợi việc giết hại, cung cấp dụng cụ giết, chỉ phương pháp giết, thích ăn thịt động vật, bắt và ăn thai trứng động vật.
* Sát sanh và quả báo :
a. Năm căn không được đầy đủ (mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân bị tàn phế) là do đời trước bắn, ném chim, thú; hoặc chặt đầu, bẻ chân, bẻ cánh chim, thú.
b. Già cả cô độc không con cái nương nhờ là do bắt trứng chim hoặc chim con, khiến cho chim mẹ mất con.
c. Mồ côi từ nhỏ, không có người thân là do bắt súc-sinh, trói buộc hoặc giam nhốt chúng, khiến cho chúng phải xa rời cha mẹ, anh em, đồng bọn.
d. Sinh làm trâu, cày bừa cực khổ còn bị đánh đập là do tham lam của người.
e. Hai tay cong queo không làm gì được, hai chân tàn phế, lưng gù, thân thể bại liệt do đời trước phá hoại nơi ở của thú, giăng lưới bắt cá, chim, thú hoặc bẻ tay chân làm tổn thương chúng.
+ Những ngày đám cưới, giỗ, tiệc tùng … chớ nên hại vật, sát sanh để ăn hoặc cúng tế. Vì sát sanh là tạo ác nghiệp, mà mong cầu sự an lạc, niềm vui hạnh phúc là điều không có thể. Tốt nhất những ngày đó nên tổ chức chay; và việc cúng tế tuyệt đối cũng phải cúng chay. Được như vậy thì việc cúng tế mới được phước, dễ cảm ứng và linh nghiệm hơn, đồng thời không tạo tội lỗi …
=> Đức lớn của trời đất là sự sống; Đạo lớn của Như-Lai là từ bi !
* Người ăn chay có những lợi ích :
1. Là thuận lòng từ bi của Phật nên dễ cảm thông được Phật độ.
2. Có lòng Bồ-đề nên nghiệp chướng mau tiêu diệt.
3. Không vay nợ mạng nên không bị quả báo sau này.
4. Thân thể tinh khiết nhẹ nhàng, ít tật bệnh, tuổi thọ kéo dài.
5. Cuối cùng được sanh về cảnh giới an lành của Phật.
+ Phật thương chúng sanh hơn cha mẹ thương con, thấy chúng sanh đau khổ Ngài tìm nhiều phương cách để cứu khổ ban vui. Nếu chúng ta ăn chay trường, phóng sanh chim, cá là chúng ta có lòng từ bi giống Phật, thì Phật sẽ rất hài lòng. Lại nữa, chúng ta đang tu niệm cầu sanh về cõi Cực-Lạc để mau chứng quả cùng Phật độ sanh thì lòng từ của chúng ta hợp với Phật nên rất dễ độ, tu trì dễ được vãng sanh …
Hỏi : Bước đầu Phật tử ăn chay như thế nào ?
Đáp : Nếu có sẵn căn lành thì liền phát Bồ-đề tâm ăn chay trường liền. Còn ai nhiều nghiệp chướng không phát tâm nổi thì ăn chay kỳ, mỗi tháng 2 ngày, 4 – 6 ngày hoặc mười ngày. Những ngày chay dù hai ngày nhưng phải quyết định giữ cho trọn thì công đức rất lớn. Còn những ngày khác nên ăn rau quả nhiều hơn ăn thịt, nếu có ăn thịt thì nên mua thịt đã được làm sẵn ở chợ (Tam Tịnh Nhục) chớ không nên sát sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TTVD sưu tầm.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire