Bác Đoàn gởi đăng một bài do Hoang Phong biên soạn. Xin mời vào đọc.
Lá thư tháng 10 / 2012 của Viện Nghiên Cứu Phật Học (Institut d'Etudes Bouddhiques) tại Pháp có đưa một tin khá… "hấp dẫn" !: "Một pho tượng Tây Tạng... từ trên trời rơi xuống!". Thật ra thì đây là một câu chuyện khá kỳ thú đã được các hãng thông tấn và báo chí trên thế giới đưa tin. Hai bản tin tiêu biểu nhất được chuyển ngữ dưới đây là của Viện Nghiên Cứu Phật Học tại Pháp và của tổ hợp báo chí Le Monde.
(Hình của AFP, Elmar Buchner / Stuttgart)
Một pho tượng Tây Tạng... từ trên trời rơi xuống!
Câu chuyện cứ tưởng như là trong một cuốn phim mạo hiểm giả tưởng của Indiana Jones thế nhưng lại là chuyện có thật! Theo một bài báo trên tập san chuyên ngành Meteoritics and Planetary Science ("Thiên Thạch và Hành Tinh Học") thì các nhà thiên văn học người Đức vừa cho biết là có một pho tượng Phật Giáo tạc bằng thiên thạch xưa một ngàn năm đã được một phái bộ thám hiểm của Đức Quốc Xã trước đây đã khám phá vào năm 1938 ở Tây Tạng. Các khoa học gia đặt tên cho pho tượng này là "Người bằng Sắt", bởi vì pho tượng chỉ cao 24 phân thế nhưng lại cân nặng đến 10 Kí-lô. Pho tượng biểu trưng cho Vaisravana, là vị " Vua Phật Giáo nơi Phương Bắc", và người Tây Tạng thì gọi là Jambhala (Đa Văn Thiên / tiếng Hán: Douwen-tianwang / tiếng Nhật: Bishamon-ten, là một vị thần Phật Giáo rất được nhiều người biết đến).
Pho tượng được một
phái bộ khoa học Đức Quốc Xã khám phá vào năm 1938 ở Tây Tạng, khi họ đến đây
để dò tìm nguồn gốc của "giống dân Arya" (chữ Arya trong tiếng Phạn có nghĩa là những người cao
cả. Người Đức Quốc Xã tự cho mình là thuộc vào giống dân siêu việt này và đã
gửi phái bộ đến đây để dò tìm gốc gác của tổ tiên họ). Người ta vẫn
chưa biết rõ trong trường hợp nào pho tượng này lại bị nhóm người Quốc Xã tóm
thu, có thể là vì lý do trên bụng của pho tượng có khắc một chữ Vạn (Swastika)
thật lớn, và chính ký hiệu này đã khiến cho phái bộ Đức chú ý nên đã mang pho
tượng này về Đức (chữ Vạn
cánh quay về phía phải - dextrorotation - được sử dụng để biểu thị cho chủ
nghĩa Quốc Xã từ năm 1920. Chữ vạn với cánh quay sang bên trái - levorotation -
là một biểu thị Phật Giáo thường thấy khắc trên các pho tượng Phật và các vị
Bồ-tát. Thật ra thì dấu hiệu này đã xuất hiện vào khoảng 2500 năm đến 3000 năm
trước công nguyên ở nhiều nơi trên địa cầu và thuộc nhiều nền văn hóa khác
nhau). Sau khi mang về Đức thì pho tượng được lưu trữ tại thành phố
Munich trong một bộ sưu tập tư nhân, và đã được đem ra bán đấu giá vào năm
2007. Nhờ dịp này mà pho tượng mới được các khoa học gia biết đến. Một nhóm
chuyên gia của Viện Hành Tinh Học thuộc đại học Stuttgart (của Đức) dưới sự
hướng dẫn của giáo sư Elmar Buchner đã nghiên cứu pho tượng "Người bằng Sắt"
này và khám phá ra là tượng được tạc từ một khối thiên thạch (đá từ trên trời
rơi xuống địa cầu) thuộc loại giàu chất sắt và rất hiếm.
2- Bản tin của báo Le Monde (28.09.2012)
2- Bản tin của báo Le Monde (28.09.2012)
Số phận lạ lùng của
một pho tượng Tây Tạng tạc bằng thiên thạch đã bị những người Đức Quốc Xã đánh
cắp. Quả thật đây là một câu chuyện đầy kịch tính: câu chuyện về một pho tượng
Tây Tạng được tạc bằng thiên thạch và đã bị những người Đức Quốc Xã đánh cắp.
Trang web của nhật báo The Guardian ngày thứ sáu 28 tháng 9 (2012) đã đưa tin
về một pho tượng nhỏ xưa một ngàn năm, mang tên là "Người bằng Sắt"
biểu trưng cho vị thần Vaisravana - một vị thần Phật Giáo bảo hộ cho xứ Tây
Tạng.
Vào thập niên 1930
pho tượng này bị đám quân cận vệ SS của Hitler (SS là cách gọi tắt của chữ
SchutzStaffel, tên gọi của đám cận binh được thành lập để bảo vệ Hitler và chủ
nghĩa Phát Xít) đánh cắp. [Thời bấy giờ] Các người Phát Xít Đức rất quan tâm
đến Tây Tạng và đã gửi người đến đây để dò tìm nguồn gốc của "giống dân
Arya" (mà họ cho là giống dân thượng thặng thuộc "tổ tiên" của
họ). Pho tượng cao 24 phân, mang ký hiệu hình chữ thập Swastika - một dấu hiệu
của Ấn Giáo và Phật Giáo biểu trưng cho sự may mắn và trường tồn, và đồng thời
cũng biểu trưng cho bánh xe của sự hiện hữu (sinh, khổ đau, chết và tái sinh).
Theo báo The Guardian
thì pho tượng đã được giấu kín trong một bộ sưu tập tư nhân và đã được đem ra
bán vào năm 2007. Sau đó pho tượng được đưa đến trình với Tiến sĩ Elmar Buchner
của đại học Stuttgart ở Đức để nhờ phân tích. Kết quả là: pho tượng được tạc từ
một khối thiên thạch thuộc vào nhóm ataxite - "một loại thiên thạch vô
cùng hiếm hoi đã rơi xuống địa cầu". Khối thiên thạch này rơi xuống mặt
đất cách nay khoảng 10.000 đến 20.000 năm trong một vùng nằm vào ranh giới giữa
Đông Tây-bá-lợi-á (Siberia) và Mông Cổ. Khối thiên thạch chỉ lọt vào tay người
Tây tạng về sau này và đã được tạc thành tượng vào khoảng thế kỷ thứ XI, tức là
vào thời kỳ mà Phật Giáo đang trên đà phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng và lấn át
hẳn tôn giáo cổ truyền của xứ này là đạo Bön (đạo thờ cúng các thần linh). Theo
báo The Guardian thì Tiến sĩ Buchner cho biết rằng nếu câu chuyện khám phá trên
đây được xác nhận thì chắc chắn là pho tượng sẽ phải biểu trưng cho "một
giá trị vô song và độc nhất trên thế giới".
Hoang Phong biên soạn
Source: Hoang Phong
Cám ơn anh Đoàn đã trích được một nguồn tinh "hấp dẫn" của viện nghiên cứu Phật Học tại Pháp.
RépondreSupprimerKho tượng thật đẹp và quý giá.
Sau đây, em xin kể một "trường hợp cá nhân" về chữ vạn:
Anh Oanh có nhờ người ta khắc chữ vạn trên mộ bia của Ba anh chôn ở nghĩa trang Orléans,, nhưng sau đó phải lấy một cái bông hồng bằng đồng để che khuất chữ đó đi vì những người Tây đến nghĩa trang đều dừng đứng trước bia mộ và thì thầm: ông nầy đã đi lính Đức đây, và vì muốn tránh chuyện hiểu lầm nên tụi em phải tìm cách che chữ đó đi.
Em nói là sẽ tiềm hiểu tại sao người Phát Xít Đức"Hitler" lại có dấu chữ vạn mặt dầu khắc ngược lại với chữ vạn khắc trên mình Phật hoặc trước cửa chùa, nhưng chưa có diệp thì hôm nay nhờ bài đọc nầy em mới hiểu tại sao.
Cám ơn anh Đoàn.
Lan