Làm sao trì niệm Chú Đại Bi đúng cách - phần 1
A. Những bước chuẩn bị trước khi trì niệm thần chú đại bi.
Bồ Tát Quán Thế Âm đã hứa với chúng ta: “Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp, khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh, lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả Thiện thần, Long vương, Kim Cang, Mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hay thân mạng của chính họ“.Như vậy, thế nào là tụng trì chú đại bi đúng pháp?
Trong phần hình trạng tướng mạo đã chỉ rõ mười đặc tính cốt yếu của Thần chú Đại Bi mà quan trọng hàng đầu là tâm Đại Từ Bi, cho nên mỗi lần trì tụng thần chú này hành giả phải bắt đầu hướng tâm vào việc quán tưởng khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh. Một cách lý tưởng, để đạt được những công năng mà thần chú mang lại, trong thời gian trì tụng, hành giả phải giữ gìn giới hạnh, đặc biệt là sát, đạo, dâm, vọng. Phải kiêng cử rượu thịt, các thứ hành, hẹ, tỏi, cùng các thức ăn hôi hám. Tốt nhất là nên ăn chay.
Phải giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên tắm gội, thay đổi y phục sạch sẽ, không nên để cho trong người có mùi hôi. Trước khi trì chú cũng phải đánh răng, súc miệng sạch sẽ, nếu trước đó có đi đại tiện, tiểu tiện thì phải rửa tay sạch sẽ trước khi trì tụng.Tóm lại, “Giữ gìn trai giới,ở nơi tịnh thất,tắm gội sạch sẽ, mặc y phục sạch, treo phan đốt đèn, dùng hương hoa cùng thực phẩm cúng dường, buộc tâm một chỗ”, đó là tất cả những điều kiện lý tưởng để hành giả trì chú Đại Bi. Tuy nhiên, như phần trên đã nói, Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ yêu cầu chúng ta hai điều mỗi khi trì tụng chú Đại Bi, đó là thành tâm và không mưu cầu những việc bất thiện. Điều này cho phép hành giả có thể trì tụng bất cứ lúc nào mà điều kiện cho phép. Trên xe, trên tàu, trên máy bay, tại sở làm, tại nhà… Với tâm thành, tâm chúng ta lúc đó sẽ hòa nhập vào lời trì tụng đểø cùng thể nhập vào pháp giới, mười phương chư Phật. Bơỉ vì Bồ Tát đã cho chúng ta biết, mỗi lần trì tụng thần chú Đại Bi, thập phương chư Phật đều đến chứng minh.
Bàn thờ:
Hành giả nên có một phòng riêng yên tỉnh để lập bàn thờ Bồ tát. Bàn thờ nên có hình tượng Bồ Tát ngàn tay, ngàn mắt. Nếu không có thì có thể sử dụng bất cứ hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nào mà mình hiện có. Hình tượng Bồ Tát nên để day mặt về hướng Tây. Trên bàn thờ tuy không bắt buộc nhưng nên có hoa tươi, trái cây, lư hương để cắm nhang, nước cúng. Nên để đèn sáng mỗi khi hành lễ.
Cách thức ngồi, lạy :
Mỗi người nên có một tọa cụ, hoặc đơn giản hơn, một miếng vải sạch hay khăn bông xếp lại để làm chỗ tọa thiền. Hành giả nên ngồi theo cách thức kiết già nhưng nếu gặp khó khăn thì có thể ngồi theo cách thức bán già (ngồi xếp bằng, chân phải gác lên chân trái hay ngược lại), lòng bàn tay để ngữa hướng lên trên, bàn tay mặt để lên trên bàn tay trái, hai đầu ngón cái đụng vào nhau. Mắt nên mở hé, nếu nhắm hẵn thì dễ rơi vào trạng thái hôn trầm, nếu mở lớn thì khó định tâm.
Lạy là nghi thức biểu lộ sự cung kính, tôn trọng. Mỗi thời đại có một cung cách khác nhau để biểu lộ sự tôn trọng. Lối lạy kiểu cũ theo cách thức của người Trung Hoa có nhiều điểm rất bất tiện, không thích hợp cho không khí thiền đường. Trước hết, với kiểu lạy này, khi hành lễ mỗi người chiếm một khoảng diện tích đáng kể đủ để có thể đứng và qùy xuống lạy, gây trở ngại cho những thiền đường nhỏ. Việc đứng lên qùy xuống gây ra những tiếng động của động tác, tiếng sột soạt của quần áo, những động tác này cũng có thể làm phóng ra những bụi bặm, vi trùng mà ta mang trên quần áo, những mùi hôi của cơ thể – nhất là trong những xứ khí hậu nóng nực-, làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường ta cần có để thở. Chưa kể là việc đứng lên qùy xuống lộn xộn trong những tư thế rất khó coi… Cho nên, chúng ta có thể thực hành một cách lạy tương đối đơn giản trong khi hành lễ, là thiền sinh cứ ngồi theo tư thế hành thiền, kiết già hay bán già, khi lạy chỉ cúi gập đầu xuống sàn phía trước, kéo dài tư thế này một khoảng thời gian ngắn đủ để niệm một câu “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm BồTát”, xong ngồi dậy.
Cách thức tụng đọc chú đại bi :
Chú Đại Bi phải nên được trì tụng lớn tiếng, giọng điệu trầm hùng, nhanh và liên tục bằng cách lấy hơi từ bụng ra. Lớn tiếng ở đây không có nghĩa là ta phải la lớn lên, nhưng giọng đọc phải rõ ràng, nghe đủ tiếng, không lờ mờ, trại giọng.
Kinh “Nghiệp Báo Sai Biệt” cho biết việc niệm Phật, tụng kinh, trì chú lớn tiếng có mười công đức sau đây :
1. Dẹp được sự buồn ngủ ám ảnh
2. Thiên ma hoảng sợ.
3. Tiếng vang khắp mười phương
4. Ba đường hết khổ
5. Tiếng đời chẳng lọt vào tai
6. Lòng không tán loạn
7. Dõng mãnh tinh tấn
8. Chư Phật vui mừng
9. Tam muội hiện ra trước mắt
10. Vãng sanh Tịnh Độ
Thật sự, ta cũng sẽ không lo ngại cơn buồn ngủ ám ảnh. Bởi vì khi trì tụng chú Đại Bi, các vị Thiên, Long, Hộ Pháp sẽ luôn ở bên cạnh ta, khi ta rơi vào cơn buồn ngủ, các Ngài sẽ giúp đánh thức ta -mà rồi qúy vị sẽ chứng nghiệm khi thực hành trì chú một cách nghiêm túc- bằng một âm thanh như tiếng sấm nổ ở trong đầu khiến ta hoảng hồn, giật mình tỉnh thức. Thông thường sau đó ta sẽ không còn (hoặc không dám) buồn ngủ nữa. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra một lần thứ hai trong buổi hành Thiền, điều này có nghĩa là thể xác ta quá mỏi mệt, ta nên xin phép được xả thiền để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt phải tụng thầm chỉ riêng cho mình nghe, hoặc chỉ nhép môi không ra tiếng như khi chúng ta đang làm việc, đi chung xe tàu với người khác, hoặc đi nằm trước khi ngủ.
Nguồn : Loiphatday.org
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire