jeudi 13 août 2015

Từ đâu có bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương tại chùa Chúc Thọ, Biên Hòa ?

Nhờ bố thí mới cứu được mạng. Chuyện ông Thủ Huồng vào khoảng năm 1755, TTVD sưu tầm và xin ghi chép lại cho quý vị đọc và suy ngẫm.


Nhờ bố thí mới cứu được mạng

Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng , theo chuyện kể thì ông là người châu Đại Phố (tức Cù lao Phố), huyện Phước Chính, phủ Phước Long, nước Đại Nam (nay là Biên Hòa, Việt Nam).Theo Đại Nam nhất thống chí, ông có tên Võ Hữu Hoằng. Nhưng có nơi gọi là Thủ Huồng, Thủ Hoằng, Võ Thủ Hoằng.
Khoảng năm 1755, ở châu Đại Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm làm việc trong nha môn, ông đã thu được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thãi, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà.
Thủ Huồng rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho ông vì ông phạm tội ăn cắp.
Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng sợ bị đọa vào địa ngục, liền đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo tránh nước triều dâng ở ngã ba sông.
Sách Gia Định thành thông chí có ghi:
“Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh tên là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ…Vì kỵ húy tên vua Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Đại Thanh nên phải đọc trại đi là Võ Thủ Huồng. Chiếc cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn.
Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều. Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất. Khá lâu sau, có ông vua nhà Thanh (Trung Hoa) tên là Đạo Quang (1782-1850) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch một người ở Gia Định. Số là khi mới sinh, trong lòng bàn tay vua đã có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi rõ chuyện, nhà vua có gửi cúng chùa Chúc Thọ (chùa Thủ Huồng) ở Biên Hòa một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương. Do việc này, mà có người bảo rằng: Nhờ thành thật hối lỗi, Thủ Huồng chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua ở Trung Hoa.




Chùa tọa lạc ở số 542/A2, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong vùng đất cổ cù lao Phố.




Chùa Chúc Thọ

Tên thường gọi:
Chùa Thủ Huồng
Chùa tọa lạc ở số 542/A2, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong vùng đất cổ cù lao Phố. ĐT : 0913878582. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ  XVIII, còn có tên là chùa Chúc Đảo, chùa Sau, chùa Thủ Huồng, do tích ông Võ Thủ Huồng sau khi được người vợ quá cố dẫn đi thăm âm phủ, đã thấy tội ác của mình nên đã bán cả gia sản để làm phước, xây chùa.

Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1882, 1921, 1943, 1950, 1954. HT Thích Thiện Đắc đã tổ chức trùng tu chùa vào năm 1960, ngài cho xây chùa lại bằng tường gạch, mái lợp ngói, nền lót gạch bông, chánh điện kiểu tứ trụ.

Chùa còn bảo tồn 3 pho tượng Di Đà Tam Tôn cổ bằng gỗ và bộ tượng La hán cao 0,74m bằng đất nung ở thế kỷ XIX.
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn
Tượng Di Đà Tam tôn 1

 
Tượng Di Đà Tam tôn 2

Tượng Di Đà Tam tôn 3

Quản tự hiện nay là Đại đức Thích Thiện Thọ.

Chùa Chúc Thọ (còn gọi là chùa ông Huồng) chỉ là một ngôi chùa nhỏ, khiêm tốn trên đất Cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai). Tuy nhiên, chùa Chúc Thọ lại được nhiều người gần xa biết tới vì gắn liền với những giai thoại ly kỳ về một nhân vật có thật sống cách nay mấy trăm năm: Thủ Huồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, hiện đang sinh sống cạnh chùa Chúc Thọ, kể lại rằng : 


Thủ Huồng tên thật là Võ Hữu Hoằng, sống ở thế kỷ 18, là người Cù lao Phố, ngày ấy gọi là châu Đại Phố (huyện Phước Chính, phủ Phước Long). Võ Hữu Hoằng làm thư lại trong nha môn, cái tên Hữu Hoằng của ông ta không hiểu sao bị người dân địa phương đọc trại ra thành Thủ Huồng, Thủ Huồn hoặc Thủ Hoằng. Trong đó, cái tên Thủ Huồng được biết tới nhiều nhất.

Là một kẻ gian tham, nên sau mấy chục năm làm thư lại, Thủ Huồng đã biển thủ, vơ vét được khá nhiều tiền bạc, và trở thành một trong những người giàu có nhất vùng. Sự giàu có bằng con đường bất chính ấy của ông ta lại đã làm cho không ít gia đình phải điêu đứng, tan nát. Có lẽ vì thế, Thủ Huồng đã bị trời phạt về mặt đời tư khi vợ của ông ta chết sớm mà chẳng để lại một đứa con nào.

Khi đã quá thừa thãi về của cải, tiền bạc, Thủ Huồng xin nghỉ việc thư lại, về nhà tậu ruộng vườn, sống đời trưởng giả. Sống một mình giữa ruộng vườn bao la, Thủ Huồng chẳng khi nào nguôi nỗi nhớ thương về người vợ quá cố. Một hôm có người mách cho ông ta biết rằng có một chỗ mà người dương gian và người cõi âm có thể gặp nhau, đó là chợ Mạnh Ma ở tận ngoài Quảng Yên (tức Quảng Ninh bây giờ). Vào nửa đêm mùng 1 tháng 6 hàng năm, nếu muốn gặp người thân đã chết, người sống cứ việc mang đến chợ một món hàng nào đó.

Tin lời bạn, Thủ Huồng giao ruộng vườn cho người nhà trông coi, gói ghém tiền bạc, lên thuyền đi ra ngoài Bắc. Ông ta làm mọi việc y như lời dặn của người bạn và đã tìm thấy vợ trong chợ Mạnh Ma. Sau một hồi hỏi han nhau về quãng thời gian âm dương cách biệt, Thủ Huồng ngỏ ý muốn được xuống xem âm phủ ra sao, vợ ông ta đồng ý và dẫn chồng đi qua những đoạn đường tối mịt mờ, đầy âm khí ma quái. Xuống tới âm phủ, vợ Thủ Huồng để chồng trú tạm trong một gian nhà thấp rồi đi làm công việc của bà ở dưới cõi âm.

Trong lúc chờ vợ trở về, Thủ Huồng thơ thẩn đi thăm thú chỗ này chỗ nọ. Tới chỗ nhà ngục, Thủ Huồng bỗng rợn người khi thấy nhiều tội nhân đang bị hành hạ bằng cách mổ bụng, cắt chân tay… Sau khi trấn tĩnh, Thủ Huồng hỏi dò mấy người cai ngục thì được biết những kẻ bị hành hạ đó, lúc còn sống trên dương thế đã làm toàn những chuyện gian ác như giết người, cướp bóc, bất hiếu, bất nghĩa, hành hạ người khác… Nghe vậy, Thủ Huồng không khỏi giật mình. Chợt thấy một cái gông đặc biệt, vừa to vừa dài nhưng đang để không, Thủ Huồng hỏi người cai ngục: “Gông này để làm gì?”. Người cai ngục đáp: “Để chờ một kẻ gian ác bậc nhất là Võ Hữu Hoằng, hiện đang sống tại huyện Phước Chính, phủ Phước Long, nước Đại Nam. Tên này, khi còn làm thư lại, vì lòng tham không đáy mà đã lợi dụng chức vụ của mình biến trắng thành đen, đen thành trắng, hãm hại nhiều người vô tội, trong đó có không ít người đã bị xử tội chết, bị tù tội hoặc mất hết nhà cửa ruộng vườn một cách oan ức, qua đó có thể chiếm đoạt tài sản của họ hoặc làm lợi cho những kẻ ác đã đút lót cho hắn”.

Thủ Huồng rụng rời chân tay, lắp bắp hỏi: “Vợ của hắn đã chết rồi, bà ta có phải đeo gông không?”. Cai ngục lắc đầu: “Không, ai làm người ấy chịu”. Thủ Huồng lại hỏi: “Ông ta phải làm gì để khi chết xuống đây không bị đeo gông?”. Cai ngục đáp: “Phải đem hết những của cải bất nghĩa ấy bố thí đi. May ra sẽ được giảm tội”. Thủ Huồng đem toàn bộ câu chuyện nói lại với vợ, vợ ông ta cũng khuyên chồng khi trở về dương gian nên làm việc thiện để chuộc lại mọi lỗi lầm ngày trước. Thủ Huồng chia tay vợ và hẹn 3 năm sau gặp lại ở chợ Mạnh Ma.

Trở về nhà, Thủ Huồng đem tiền, gạo bố thí cho những người nghèo khó trong vùng. Sau 3 năm, ông ta đã phát tán tới 3 phần tư cơ nghiệp cho những việc như thế. Đúng ngày hẹn với vợ, ông ta lại tới chợ Mạnh Ma và lại được vợ đưa xuống âm phủ. Thủ Huồng vội tìm đến chỗ nhà ngục và thấy cái gông nọ đã nhỏ đi khá hiều so với trước. Ông ta hỏi tại sao, cai ngục đáp rằng có lẽ tên Võ Hữu Hoằng trên dương thế đã biết hối cải, bỏ việc ác, làm việc thiện nên cái gông tự động nhỏ đi. Trở về nhà, Thủ Huồng đem bán hết nhà cửa, ruộng đất, tài sản. Ngoài việc tiếp tục bố thí cho những người nghèo khổ, ông ta đem một phần tiền bạc xây dựng chùa Chúc Thọ, mà dân gian gọi là chùa ông Huồng. Ngoài ra ông ta còn tổ chức nạo vét một con rạch ở khu Tân Vạn và bắc một cây cầu đá trên con đường gần sông Đồng Nai (rạch và cầu này về sau đều được mang tên Thủ Huồng). Sau đó, Thủ Huồng tới ngã ba sông Đồng Nai và sông Gia Định, thuê người làm một cái bè lớn, trên bè có một ngôi nhà lá rộng rãi, trong đó để sẵn nồi niêu, gạo củi…, để những người đi lại qua đây có chỗ tá túc, ăn uống, nghỉ ngơi miễn phí. Dần dà, nhiều người khác cũng kết bè quanh đó để buôn bán và chỗ này được dân gian gọi là Nhà Bè, tức huyện Nhà Bè thuộc TP HCM bây giờ. Ở Nhà Bè hiện còn lưu truyền câu ca dao: “Ai ơi có đến Nhà Bè. Nhớ ơn nước ngọt bè tre Thủ Huồng”.

Còn Thủ Huồng, sau khi chết đã xuống âm phủ, đã không còn thấy cái gông đó nữa. Thậm chí ông ta còn được đầu thai làm… vua Đạo Quang của nhà Thanh (Trung Quốc). Dân Cù lao Phố vẫn kể cho nhau nghe rằng lúc mới sinh, trong lòng bàn tay vua Đạo Quang có 6 chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi làm vua, biết chuyện Thủ Huồng, vua Đạo Quang có gửi tặng chùa Chúc Thọ một bộ tượng Tam thế Phật bằng gỗ trầm hương. Bộ tượng này hiện vẫn còn.

TTVD sưu tầm.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire